Liên kết website
Tư vấn trực tuyến
  • Tư vấn Sở hữu trí tuệ
  • Tư vấn Đầu tư
  • Tư vấn Doanh nghiệp
  • Tư vấn Pháp lý
Thống kê truy cập
Những quy định còn thiếu liên kết và rời rác trong luật đầu tư năm 2005 - ipic, luat, luật, tư vấn đầu tư, tu van dau tu, tư van doanh nghiep

Tin tức

Những quy định còn thiếu liên kết và rời rác trong luật đầu tư năm 2005

Luật Đầu tư qua năm năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước. Theo một số chuyên gia, đạo luật này cần phải được xem xét lại, nhất là trong bối cảnh nguồn đầu tư đang có chiều hướng suy giảm và cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực.

Cả hai mục tiêu đều chưa đạt
“Mặc dù một trong những mục tiêu đặt ra là nhằm điều chỉnh quản lý nhà nước về đầu tư nhưng Luật Đầu tư hiện hành vẫn chưa thực sự đảm đương được vai trò ấy. Quản lý nhà nước theo cách ở đây tỏ ra rất thụ động, phân tán và thiếu liên kết”- một chuyên gia của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Tổ công tác) đã nhận xét như vậy.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, chẳng hạn nếu thực hiện theo Luật Đầu tư thì hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp có hai nhà máy giấy đều được cấp giấy phép đầu tư trên cùng một khu cung cấp nguyên liệu giáp ranh thuộc hai tỉnh. Vấn đề đặt ra là có thể chỉ cấp phép cho một nhà máy có công suất lớn hơn, công nghệ hiện đại hơn, sản phẩm đa dạng hơn nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả thay vì phải xây hai nhà máy tốn kém hơn và cạnh tranh nhau một cách không cần thiết. Rất tiếc, với cơ chế cấp phép hiện nay Luật Đầu tư hiện hành không thể làm được việc đó.
Hay một trường hợp khác: giả sử có hai dự án đầu tư đều có nhu cầu nhập khẩu một số lượng lớn máy móc, thiết bị vào cùng một thời điểm. Việc nhập khẩu ấy rất có thể sẽ hút mất một số lượng đáng kể ngoại tệ, làm ảnh hưởng tới cán cân thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, để việc cấp phép và triển khai các dự án hạn chế tới mức thấp nhất tác động tiêu cực nói trên thì trong trường hợp này Luật Đầu tư cũng tỏ ra... bất lực. Tương tự như vậy là sự rời rạc trong liên kết dọc. Thế nên, mới xảy ra tình trạng hàng loạt khu công nghiệp được cấp phép nhưng thành phần vào thì chẳng “phụ trợ”, ăn rơ gì với nhau cả.
Theo các chuyên gia, Luật Đầu tư cũng chưa hoàn thành được sứ mạng nếu nhìn từ mục đích “bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư; khuyến khích và ưu đãi đầu tư”.
Thậm chí, theo luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn KAC, bộ luật này đang “làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư do những quy định vừa thiếu rõ ràng, vừa chồng lấn, xung đột với các luật chuyên ngành.
“Luật Đầu tư giống như một cái đụt, vơ hết phần của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác. Hệ quả là cái này đá cái kia, lộn tùng phèo”, ông Khoát ví von.
Ý kiến này trùng hợp với những khuyến cáo trước đây của nhiều chuyên gia, nhà doanh nghiệp khi Luật Đầu tư còn dự thảo. Kết quả khảo sát do IFC tiến hành tại một số địa phương vào năm 2009 và một báo cáo khác do Tổ công tác làm vào năm 2008 càng cho thấy những lo ngại đó là có cơ sở. Và dưới đây là một nhận xét đáng lưu ý của Tổ công tác:
“Thực tế triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn đối với cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan... Khó khăn phát sinh từ sự không tương thích, trùng lặp và thậm chí mâu thuẫn giữa các quy định liên quan đến đầu tư của các luật có liên quan”.
Đáng nói hơn, theo báo cáo của Tổ công tác, sự trùng lặp mà lại bất tương thích, thậm chí mâu thuẫn dẫn đến có những trường hợp, chẳng hạn như trong thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư nếu thực hiện theo pháp luật đầu tư thì vi phạm luật môi trường và ngược lại thực hiện theo pháp luật môi trường thì vi phạm pháp luật đầu tư. Báo cáo cho biết, để cho xong chuyện “đa số các địa phương đã chọn phương án “vi phạm” luật môi trường”.
Ngoài ra là hàng loạt quy định thiếu rõ ràng và bất hợp lý của Luật Đầu tư liên quan đến những khái niệm có tính căn bản như đầu tư; dự án đầu tư; dự án đầu tư trong nước; dự án đầu tư nước ngoài; vốn đầu tư; nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức kinh tế mới; giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Điều này khiến cho thủ tục đầu tư bị kéo dài do cơ quan thực thi không thể giải quyết theo luật mà phải chờ xin thỉnh thị, ý kiến của các cơ quan quản lý cấp trên. Nhiều luật sư cho biết hầu hết các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khách hàng của họ là nhà đầu tư nước ngoài đều chậm so với thời gian quy định.
Thậm chí, có những hồ sơ bị “ngâm” hàng năm trời, nhất là đối với các ngành phân phối, thương mại, bất động sản... “Do luật tù mù nên nhiều trường hợp giải quyết chẳng theo cơ sở nào cả. Cơ quan được hỏi ý kiến thích thì cho với lý do “xét thấy ngành nghề cần khuyến khích...” và ngược lại không chấp nhận thì nại rằng “xét thấy ngành nghề không cần khuyến khích...”, một luật sư phát biểu.
Nên như thế nào?
“Cần phải khẳng định một điều rằng quản lý nhà nước về đầu tư là việc đương nhiên và cần thiết. Thế nhưng, nói như thế không có nghĩa là nhất định phải có Luật Đầu tư.
Đa số các nước trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển, họ vẫn quản lý tốt mà làm gì có luật đầu tư”. Nói một cách cụ thể, theo vị chuyên gia của Tổ công tác, Luật Đầu tư nên được thay bằng luật khuyến khích đầu tư thì phù hợp hơn. Luật này sẽ cụ thể hóa các chính sách đầu tư của quốc gia trong việc cấm, hạn chế hay ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn đầu tư; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; đầu mối và sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan nhà nước...
Thông qua đó, Nhà nước hoàn toàn có thể định hướng, điều chỉnh các nguồn lực đầu tư theo đúng ý đồ chiến lược của mình, thay vì rời rạc và thiếu liên kết như hiện nay. “Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và nếu không nhanh chóng thay đổi thì chúng ta sẽ tụt hậu mất”, vị chuyên gia tha thiết.
Vị chuyên gia trên nói: “Nhà nước chỉ nên quản lý những gì thuộc trách nhiệm của Nhà nước, còn những gì của doanh nghiệp thì không nên can thiệp”. Chẳng hạn, thủ tục đầu tư chỉ nên áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình vì ở đây liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý sử dụng đất, môi trường, xây dựng...
Còn đối với các dự án đầu tư không xây dựng công trình, ví dụ như thuê mặt bằng tại cao ốc A để mở một công ty dịch vụ thiết kế thì việc yêu cầu phải lập dự án như hiện nay rõ ràng là bất hợp lý. Hay những thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp như giải pháp công nghệ, vốn, năng lực tài chính... có cần phải yêu cầu khi thực hiện cấp phép đầu tư? Hơn nữa, nếu buộc nhà đầu tư khai thì đó cũng chỉ là thông tin mang tính đối phó, hình thức và như vậy sẽ rất khó đảm bảo hiệu quả cho quản lý nhà nước.
Bàn về sự phối hợp trong quản lý nhà nước, vị chuyên gia đề nghị nên có một hội đồng liên ngành khi xem xét cấp phép cho các dự án đầu tư. “Hội đồng này có chức năng thẩm định, cấp phép đầu tư với thành phần có thể bao gồm đại diện của các ban ngành có liên quan như đất đai, xây dựng, môi trường... Bằng cách đó, vừa giúp khắc phục sự phân tán trong quản lý nhà nước về đầu tư, vừa tạo cơ chế một cửa, thuận lợi cho các nhà đầu tư”, vị chuyên gia giải thích.
Đồng tình với ý kiến trên, luật gia Cao Bá Khoát chứng minh thêm rằng việc quản lý hoạt động đầu tư thực tế đã có các luật chuyên ngành đảm nhiệm. Ví dụ, để thành lập và tổ chức doanh nghiệp thì đã có Luật Doanh nghiệp; liên quan đến đất đai có Luật Đất đai; vấn đề môi trường có Luật Môi trường; xây dựng công trình có Luật Xây dựng; bất động sản có Luật Kinh doanh bất động sản... “Như vậy, Luật Đầu tư không những không cần thiết mà còn dẫn đến tình trạng chồng lấn, giẫm chân nhau giữa các luật như đã nói” - ông Khoát kết luận.
Lập công ty con cũng không được!
Công ty TNHH S là liên doanh giữa một công ty xây dựng trong nước với nước ngoài. Sau khi được thành lập, Công ty S tiếp tục đăng ký thành lập một công ty “con” để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc đăng ký này đã không được cơ quan chức năng chấp thuận với lý do trái với khoản 2, điều 8, Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
Điều khoản này quy định: “Doanh nghiệp thành lập theo quy định tại khoản 1 điều này (tức là doanh nghiệp liên doanh) được liên doanh với nhà đầu tư trong nước và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới...”.

Điều đó có nghĩa, theo giải thích của cơ quan chức năng, Công ty S chỉ được thành lập tổ chức kinh tế mới khi liên doanh với nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, còn tự mình thành lập thì không cho. Theo nhiều ý kiến, trên đây là một trong những quy định vừa vô lý, vừa không rõ ràng và gây khó cho nhà đầu tư.
Năm 2007, Chính phủ từng ban hành Nghị quyết 59, trong đó đưa ra một yêu cầu khá mạnh bạo là giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư “nghiên cứu, sửa đổi quy trình thủ tục, sự cần thiết của Giấy chứng nhận đầu tư, trường hợp không cần thiết thì báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng bãi bỏ iấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước”.
Tuy nhiên, đến nay chỉ đạo này vẫn chưa được thực hiện.
Theo kết quả khảo sát của IFC, tại tỉnh B, để thực hiện một dự án đầu tư (có xây dựng công trình), nhà đầu tư phải đến liên hệ với các cơ quan nhà nước 38 lần; cung cấp 67 loại giấy tờ (trong đó có 10 loại giấy tờ trùng nhau) và thời gian trung bình là 451 ngày. Con số tương tự tại tỉnh H là: 36; 62 (7) và 127...
IPIC GROUP
 
Quay lại trang trước
Tin tức khác